HIỆU QUẢ MÔ HÌNH TRỒNG CÂY KHỔ QUA GHÉP GỐC MƯỚP
 -  388 Lượt xem
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH TRỒNG CÂY KHỔ QUA GHÉP GỐC MƯỚP
HIỆU QUẢ MÔ HÌNH TRỒNG CÂY KHỔ QUA GHÉP GỐC MƯỚP
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Trạm khuyến nông huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) thực hiện thành công mô hình khảo nghiệm cây khổ qua ghép gốc mướp.
Mô hình khổ qua ghép gốc mướp
Khổ qua là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở ĐBSCL, có tiềm năng phát triển rất lớn, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong tỉnh, cây khổ qua được trồng phổ biến hàng năm khoảng 300ha, vừa làm rau, vừa làm thuốc (trà khổ qua), có giá trị xuất khẩu ở dạng sấy khô.
Tuy nhiên, sản xuất khổ qua còn nhiều hạn chế: cây dễ mẫn cảm với các loại bệnh, đặc biệt là bệnh có nguồn gốc từ đất như bệnh héo rũ do nấm Fusarium oxysporum gây ra. Cho đến nay, bệnh này vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có giống kháng, chủ yếu được phòng ngừa bằng cách luân canh với cây trồng khác, hoặc sử dụng biện pháp hóa học để phòng trừ.
Mô hình trồng khổ qua ghép gốc mướp được thực hiện tại hộ ông Đặng Hoàn Nam (xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành) trên diện tích sản xuất 1.000m2. Ngày 12-5-2021, tiến hành xuống giống trồng khảo nghiệm giống khổ qua ghép gốc mướp và 1 giống đối chứng khổ qua không ghép. Thời gian thực hiện từ tháng 5-2021 đến 8-2021, theo phương pháp: cây khổ qua ghép mật độ 1.000 cây/1.000m2, cây khổ qua không ghép mật độ 1.500 cây/1.000m2.
Kết quả cho thấy, giai ghép gốc mướp có khả năng kháng bệnh héo rũ do nấm Fusarium oxysporum lưu tồn trong đất từ những vụ trước. Mặt khác, khi sử dụng gốc ghép khỏe mạnh, có thể làm gia tăng sinh trưởng thân lá, dẫn đến giảm thiệt hại do bệnh khảm xoăn đọt, có thể giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và môi trường.
Bà Trần Ngọc Phương Anh, Trưởng trại thực nghiệm (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và công nghệ An Giang) cho biết: “Kết quả khảo nghiệm cho thấy mô hình đối chứng khổ qua không ghép đạt năng suất khoảng 3,2 tấn/1.000m2. Thế nhưng, khổ qua ghép gốc mướp đạt năng suất 4,06 tấn/1.000m2 (cao hơn giống đối chứng 900kg/1.000m2, tương đương 26,8%).
Khối lượng trái khổ qua trung bình không ghép đạt 230gr, khổ qua ghép gốc mướp đạt 280gr. Giống khổ qua ghép gốc mướp còn chịu ngập và kháng bệnh tốt hơn giống khổ qua không ghép. Về hiệu quả kinh tế, mô hình trồng khổ qua ghép gốc mướp đạt lợi nhuận 16,5 triệu đồng/1.000m2, tăng khoảng 36% (trồng khổ qua không ghép lợi nhuận 12,2 triệu đồng/1.000m2).
Ở nước ta, trong những năm gần đây, vấn đề nghiên cứu và ứng dụng gốc ghép trong sản xuất rau phát triển khá mạnh, đạt nhiều thành công. Biện pháp kỹ thuật trồng khổ qua ghép gốc mướp được An Giang nghiên cứu và áp dụng thành công, giúp tăng khả năng kháng bệnh có nguồn gốc từ đất, đồng thời giúp cây sinh trưởng mạnh, cho năng suất và phẩm chất cao; cho năng suất cao hơn khổ qua không ghép.
Lợi dụng gốc ghép (mướp) khỏe mạnh hơn ngọn ghép (khổ qua) nên nông dân kéo dài thời gian thu hoạch, cây trồng thích ứng tốt với điều kiện môi trường bất lợi (như: ngập úng, khô hạn, nhiễm mặn hay phèn… của biến đổi khí hậu). Ngoài việc lựa chọn giống thích hợp, thì mật độ trồng thưa, gốc ghép và ghép nhiều gốc lên 1 ngọn là yếu tố quan trọng thứ 2 để nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng tại địa phương.
Bà Trần Ngọc Phương Anh cho biết, từ kết quả này, trung tâm phối hợp với Phòng Kinh tế và Trạm Khuyến nông các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trồng cây, kỹ thuật sản xuất cây giống, cung cấp cây giống khổ qua ghép gốc mướp cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.