DẬP TẮT TẬP QUÁN ĐỐT ĐỒNG, THỦ PHẠM TẠO RA CARBON ĐEN
 -  529 Lượt xem
DẬP TẮT TẬP QUÁN ĐỐT ĐỒNG, THỦ PHẠM TẠO RA CARBON ĐEN
UNEP cảnh báo: Trên khắp thế giới, mọi người đang chuẩn bị phải đối mặt với cái gọi là 'mùa đốt đồng’ gây ô nhiễm, do tập quán canh tác lạc hậu của nông dân.
Carbon đen độc hại ra sao?
Tập quán đốt đồng tiêu hủy phụ phẩm nông nghiệp ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe cộng đồng và đang bị lầm tưởng là tiết kiệm chi phí sản xuất ở nhiều quốc gia. Ảnh: GEF
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hoạt động sản xuất này tạo ra nguồn carbon đen có độc tính cao và gây suy thoái đất nghiêm trọng, mặc dù nó chỉ tồn tại trong ngắn hạn- vài ngày hoặc vài tuần.
Kết quả các nghiên cứu cho thấy, carbon đen cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe con người và hành tinh. Nó là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca tử vong sớm mỗi năm và tác động của nó đối với sự nóng lên toàn cầu lớn hơn từ 460 đến 1.500 lần so với carbon dioxide (CO2), nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Carbon đen là một thành phần của bụi mịn PM2.5, một chất ô nhiễm cực nhỏ dễ dàng xâm nhập sâu vào phổi và máu của con người. PM2.5 làm tăng nguy cơ tử vong do mắc các bệnh tim, phổi, đột quỵ và một số bệnh ung thư, khiến hàng triệu người chết sớm mỗi năm.
Trẻ em bị nhiễm bụi mịn PM2.5 còn gây ra các vấn đề về tâm lý và hành vi, trong khi những người lớn tuổi, nó có liên quan đến các chứng bệnh Alzheimer, Parkinson và sa sút trí tuệ.
Ô nhiễm không khí do đốt đồng gây khói bụi ngoài gây tổn thương sức khỏe đường hô hấp, nó còn có thể làm tăng khả năng bị rủi ro mắc coronavirus cho con người, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay.
Bà Helena Molin Valdés, Trưởng ban Thư ký Liên minh Khí hậu và Không khí sạch (UNEP), cho biết: “Cải thiện chất lượng bầu không khí mà chúng ta hít thở là thực sự cần thiết đối với sức khỏe và hạnh phúc của cộng đồng. Nó cũng rất quan trọng đối với an ninh lương thực, hành động vì khí hậu, sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, và là nền tảng cho sự bình đẳng. Trên thực tế, chúng ta sẽ không thể nào nói về Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, chừng nào chúng ta chưa nghiêm túc nhìn nhận về chất lượng không khí".
Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã chỉ định ngày 7 tháng 9 năm nay là Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh. Chủ đề của năm 2021 là “Không khí trong lành, hành tinh khỏe mạnh”, nhấn mạnh mối tương quan giữa sức khỏe con người và hành tinh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Theo lịch trình, sẽ có một diễn đàn đối thoại cấp cao giữa các chuyên gia và đại diện các chính phủ về chính sách và hành động để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, những tác động của nó đối với sức khỏe, kinh tế và khí hậu.
Đã đến lúc phải thay đổi
Các chất đỏ biểu thị bản đồ nhiệt xuất phát từ nạn đốt đồng của nông dân khu vực Đông Nam Á trong những ngày cao điểm của năm 2021. Nguồn: Enterprises.modaps
Đến nay, nhiều nông dân vẫn coi việc đốt đồng sản xuất nông nghiệp là một cách làm hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất cho mùa trồng trọt mới. Tuy nhiên trớ trêu thay, các báo cáo nghiên cứu sâu về hoạt động này thời gian qua đều đánh giá ngược lại khi khẳng định việc đốt đồng không hề có tác dụng kích thích tăng trưởng, và nó còn thực sự làm giảm khả năng giữ nước và độ màu mỡ của đất từ 25 đến 30%.
Do đó trong các mùa vụ kế tiếp, đồng ruộng thường đòi hỏi người nông dân phải đầu tư nhiều tiền hơn vào phân bón cũng như hệ thống tưới tiêu để bù đắp dưỡng chất. Ngoài ra carbon đen cũng có thể thay đổi các mô hình thời tiết như mưa, đặc biệt là gió mùa châu Á, làm gián đoạn các hiện tượng thời tiết cần thiết để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê của UNEP, vào thời điểm này hàng năm khi mùa thu đã cận kề, nhiều quốc gia trên thế giới đang bước vào mùa đốt đồng, nơi nông dân các nơi vẫn giữ thói quen đốt đồng ruộng, nương rẫy, thực bì để dọn đường cho vụ sản xuất mới. Hoạt động đốt phá này không những tạo ra lượng khói độc bay lơ lửng trong không khí, có hại cho sức khỏe cộng đồng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy rừng...
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn thường xuyên được nông dân đốt đồng, khai phá ruộng rẫy đang giết chết ít nhất 7 triệu người mỗi năm, trong đó có 650.000 trẻ em.
Pam Pearson, Giám đốc Sáng kiến Khí hậu Quốc tế Cryosphere, người đã có thời gian dài làm việc với nông dân trên khắp thế giới nhằm đưa ra phương pháp canh tác không dùng lửa cho biết: “Những vùng đất bị đốt cháy thực sự có độ phì nhiêu thấp hơn và tỷ lệ xói mòn cao hơn, đòi hỏi người nông dân phải thường xuyên bù đắp bằng phân bón”.
Bà Pearson lưu ý rằng: Việc thay đổi thói quen đốt chất thải nông nghiệp lạc hậu đang đòi hỏi chúng ta phải tăng cường nâng cao nhận thức và năng lực cho nông dân. Đó là một cam kết cao cả, nhưng tác động sẽ rất đáng kể và sâu rộng, có thể làm thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người.
Cần nỗ lực trên toàn thế giới
Thói quen đốt mía của nông dân để giảm công thu hoạch và giải phóng đồng ruộng cho mùa vụ mới vừa làm giảm năng suất, vừa làm suy thoái đất và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Scott Gabl
Trong một vài năm gần đây, nhiều tổ chức quốc tế đã phối hợp với các chính phủ để thúc đẩy các giải pháp thay thế vấn nạn đốt đồng gây ô nhiễm không khí.
Ví dụ, tại Ấn Độ, các chuyên gia đã cung cấp cho nông dân thông tin và hỗ trợ họ tiếp cận các giải pháp thay thế, sử dụng vệ tinh để giám sát đám cháy, đồng thời can thiệp chính sách hoặc trợ cấp cho nông dân và cuối cùng là biến chất thải nông nghiệp thành tài nguyên.
Tại Punjab, Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) hiện đang tiến hành dự án biến chất thải cây trồng thành nguồn nhiên liệu mới, tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn luân chuyển mang lại cho nông dân thêm thu nhập và giảm ô nhiễm không khí.
Với mục tiêu quan tâm đến tình trạng ấm lên toàn cầu và an ninh lương thực, một dự án khác có tên là Koronivia- Hành động chung về nông nghiệp đang lồng ghép trồng trọt vào Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. Dự kiến các cuộc thảo luận tiếp theo cũng sẽ được đưa ra tại Hội nghị COP26 vào tháng 11 tới tại Scotland.