Chanh không hạt, chua nhưng 'giá ngọt'
 -  401 Lượt xem
HẬU GIANG_ Chanh không hạt cho trái quanh năm, năng suất có thể từ 150 – 200 kg/năm/cây. Cây kháng bệnh rất tốt, không bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh như các cây có múi khác.
Ông Đỗ Ngọc Đại vui mừng khi thu hoạch vụ chanh không hạt trái chiến, năng suất cao, giá tốt. Ảnh: Kim Anh.
Khoảng 2 năm trở lại đây, trên những ruộng mía ở TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu có sự xuất hiện của cây chanh không hạt. Theo người dân địa phương, hiện nay việc trồng mía đã dần trở nên kém hiệu quả, giá cả không ổn định, đầu ra bấp bênh, vào mỗi vụ thu hoạch nông dân lại phập phồng chờ giá.
Là nông dân gắn bó lâu năm với cây mía, ông Đỗ Ngọc Đại ở khu vực 7, phường Hiệp Thành, TP Ngã Bảy nay đã không thể trụ được với loại cây trồng này, buộc lòng ông phải chuyển đổi. Và chanh không hạt là cây trồng được ngành chức năng cũng như nông dân lựa chọn đầu tư trong công cuộc chuyển đổi sản xuất này.
Vừa qua, để giúp bà con nông dân trên địa bàn TP Ngã Bảy có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc nhân rộng các mô hình hiệu quả, Trạm Khuyến nông Thành phố đã tổ chức các hội thảo đầu bờ “Trồng chanh không hạt gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm” trên địa bàn hai phường Hiệp Thành và Lái Hiếu, từ đây nhiều nông dân đã mạnh dạn thử nghiệm với cây chanh không hạt.
Hội thảo đầu bờ nhân rộng mô hình trồng chanh không hạt gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm do Trạm Khuyến nông TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang tổ chức. Ảnh: Kim Anh.
Ông Đại cho biết, hiện nay gia đình ông đang trồng khoảng 7.000 m2 chanh không hạt, cây cho trái chiến (lứa quả đầu tiên) nhưng năng suất đạt khá tốt gần 1 tấn trái, đầu ra sản phẩm cũng được doanh nghiệp hợp đồng thu mua với mức giá 15.000 đồng/kg.
Theo ông Đại, giai đoạn đầu chuyển đổi sản xuất với sự hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông đã giúp bản thân ông cũng như nhiều nông dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư với cây chanh không hạt. “Chanh không hạt nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp nên lợi nhuận của nông dân cao hơn. Đúng là chanh chua nhưng giá lại ngọt”, ông Đại ví von.
Việc chuyển đổi sản xuất sang mô hình chanh không hạt đã giúp nhiều nông dân trong tỉnh Hậu Giang vươn lên làm giàu bền vững. Ảnh: Kim Anh.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp TP Ngã Bảy, trong năm 2021, trên địa bàn Thành phố có 1.172 ha cây trồng chuyển đổi sản xuất sang trồng cây khác. Trong đó, có 48 ha được người dân chuyển đổi từ các cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt với 50 hộ dân tham gia, sản lượng toàn vùng khoảng 16 tấn/ha.
Ông Lâm Hoàng Lợi, Trưởng Trạm Khuyến nông TP Ngã Bảy thông tin, mô hình chuyển đổi trồng chanh không hạt được triển khai từ năm 2020, hiện nay vùng nguyên liệu chanh không hạt của Thành phố đã được ngành chức năng kết nối, liên kết với một số doanh nghiệp để thực hiện bao tiêu cho bà con nông dân.
Nổi bật nhất là doanh nghiệp của Hà Lan và các HTX có sản phẩm OCOP đã tiến hành thỏa thuận, hướng dẫn bà con nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tạo lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng. Đặc biệt, sản phẩm chanh không hạt không chỉ tiêu thụ mạnh thị trường trong nước mà còn là sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao.
Chanh không hạt đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.
“Chúng tôi cũng tổ chức cho bà con nông dân tham quan các mô hình trồng chanh không hạt ở các địa phương khác. Từ đó bà con thấy được hiệu quả của mô hình để tự tin và an tâm chuyển đổi sản xuất. Cán bộ kỹ thuật của đơn vị cũng sát cánh cùng bà con về vấn đề kỹ thuật trồng để hướng người dân phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và phù hợp với nhu cầu thị trường”, ông Lợi cho biết thêm.
Thời gian qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang chanh không hạt, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, TP Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang đã vươn lên làm giàu.
Hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã trở thành nhu cầu bức thiết, giúp nông dân có cái nhìn mới hơn về việc liên kết sản xuất hướng đến vùng chuyên canh, sản xuất theo chuỗi giá trị.
Thành công của việc chuyển đổi sản xuất đã được chứng minh, khi thời gian qua nhiều mặt hàng nông sản trong nước đang rớt giá, trái chanh không hạt tại tỉnh Hậu Giang lại mang đến niềm vui cho nhiều nông dân. Với đầu ra sản phẩm ổn định, chanh không hạt đang được xem là cây trồng triển vọng đối với nhiều nhà vườn ở TP Ngã Bảy nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung.
Mỗi năm, chanh không hạt cho năng suất ổn định từ 150 – 200 kg/cây, đặc biệt cây có sức kháng bệnh rất tốt. Ảnh: Kim Anh.
Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, chanh không hạt có khả năng thích nghi tốt trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tình hình sâu bệnh trên cây chanh không đáng kể so với những loại cây trồng khác. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để phát triển thêm diện tích trồng mới cây chanh không hạt, giải quyết các vấn đề kỹ thuật để cây chanh không hạt giữ vững chất lượng, phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Ưu điểm nổi bật của chanh không hạt là cho trái quanh năm, có thể cho năng suất từ 150 – 200 kg/năm/cây. Cây còn có sức kháng bệnh rất tốt, nhất là không thấy bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh như các loại cây có múi khác. Tuy nhiên về kỹ thuật trồng cây chanh không hạt, không phải ai cũng biết quy trình trồng thế nào cho đúng, để cây cho hoa và trái nhiều quanh năm.
Chanh không hạt có khả năng thích nghi tốt với môi trường sống nên việc chọn đất trồng cây chanh cũng không phải là yêu cầu quá khó. Chanh không hạt thích hợp với mọi loại đất, chỉ cần đất không bị ngập úng và có nước tưới vào mùa khô là đủ. Với đặc điểm là loại cây con ưa bóng râm, không chịu được ánh sáng trực tiếp, vì thế nhiều nhà vườn nên kết hợp trồng xen kẽ mô hình trồng chanh không hạt với các loại cây ăn quả khác như xoài, ổi, bưởi da xanh…