Khuyến khích thu gom, hiệu quả sử dụng rơm rạ

Ngày 14/06/2021

 -  582 Lượt xem

Rơm không chỉ dùng để trồng nấm rơm mà còn là nguồn phân hữu cơ dồi dào, dùng để che đậy, giữ ẩm cho đất, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhiều loại cây trồng: rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng. Đây cũng là nguồn thức ăn có thể trữ lâu dành cho trâu bò. Bên cạnh đó, rơm rạ còn sử dụng để che chắn, bảo vệ trái cây khi vận chuyển đi xa hay sử dụng trong một số lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, dùng làm vật liệu xây dựng...

 

Thu gom rơm bằng máy cuốn rơm đa năng trong vụ lúa đông xuân tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Ông Đoàn Văn Suôl ngụ khu vực Thới Hưng, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, cho biết: “Tại địa phương đã phát triển rất mạnh phong trào tận dụng rơm rạ để trồng nấm rơm, nhiều gia đình đã khấm khá lên từ nghề này. Rơm ở các ruộng lúa phần lớn đều được thu gom nhưng không đủ để phục vụ sản xuất nấm, bà con mua thêm rơm nơi khác, nhiều lúc lên đến 19.000-22.000 đồng/cuộn (khoảng 15-30kg/cuộn), tùy rơm khô hay ướt. Thấy nhà nông tại một số nơi còn đốt bỏ rơm trên đồng, tôi tiếc vô cùng!”.  Sử dụng rơm để trồng nấm rơm có thể giúp mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhất là khi giá nấm rơm đang ở mức khá cao do nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo ông Suôl, giá nấm rơm từ 45.000-50.000 đồng/kg trở lên như thời gian qua, sử dụng khoảng 1.000 cuộn rơm để chất nấm trên một công đất, nông dân có thể kiếm lời 30-40 triệu đồng/vụ, chỉ kéo dài hơn 1 tháng.

Rơm sau chất nấm, có thể dùng làm phân hữu cơ phục vụ trồng rau màu, cây ăn trái hoặc bán cho những người sản xuất hoa kiểng. Bà Nguyễn Thị Phượng ở Khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho biết: “Lâu nay hầu hết nhà nông sản xuất hoa kiểng tại địa phương đều dùng nguồn rơm sau chất nấm rơm để làm phân hữu cơ phục vụ trồng hoa. Đây là thứ nguyên liệu không thể thiếu nếu muốn trồng hoa đạt hiệu quả cao”. Tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL có số lượng đàn trâu bò lớn: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long… rơm rạ sau thu hoạch lúa được người dân thu gom để chăn nuôi và trồng trọt rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái. Giá rơm tại các địa phương này nhiều lúc tăng lên 30.000- 35.000 đồng/cuộn.  Nhưng đôi lúc rơm cũng không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, nhất là thời điểm qua vụ thu hoạch lúa.

Khuyến khích “thu hoạch rơm”

Với sản lượng lúa trên 1,3 triệu tấn/năm, TP Cần Thơ có số lượng rơm rạ tương đương 1,3 triệu tấn/năm. Đây là một nguồn tài nguyên rất lớn. Tổ chức tốt việc “thu hoạch rơm” sẽ mang lại nhiều lợi ích cả về mặt kinh tế và môi trường. Trước đây, việc thu gom rơm gặp nhiều trở ngại do phải thu gom thủ công tốn nhiều thời gian, chi phí và rất khó đảm bảo thời vụ sản xuất lúa... Do vậy, nông dân có tâm lý muốn đốt bỏ rơm ngay sau thu hoạch nhằm thuận lợi cho việc làm đất, chuẩn bị cho vụ gieo sạ tiếp theo. Hiện nay, thu gom rơm đã dễ dàng hơn rất nhiều nhờ có máy thu hoạch rơm đa năng, vừa hút rơm, vừa cuốn rơm và cột thành từng cuộn dễ dàng bảo quản và vận chuyển. Máy này chỉ cần 2 lao động, gồm 1 người cầm lái điều khiển máy và 1 người ở sau thùng xe của máy để chất gọn các cuộn rơm. Mỗi ngày, máy cuốn rơm đa năng có thể thu hoạch trên diện tích 4-5ha ruộng lúa, thu được 600-700 cuộn rơm.

Anh Nguyễn Văn Giàu, ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: “Đầu tư một máy cuốn rơm đa năng được gần 3 năm nay và hoạt động rất hiệu quả. Máy có thể thu được rơm trong cả mùa khô và mùa mưa. Rơm thu được có thể dùng chất nấm hoặc bán cho những hộ dân có nhu cầu. Cũng có thể làm dịch vụ thu gom rơm giá từ 8.000-10.000 đồng/cuộn rơm”. Theo anh Giàu, với việc đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu hoạch rơm, tin rằng trong tương lai không xa, nông dân không còn đốt bỏ rơm gây lãng phí.

Trong điều kiện số lượng máy cuốn rơm tại TP Cần Thơ còn ít, gần đây nông dân tại nhiều quận, huyện cũng đã thuê mướn thêm các máy cuốn rơm từ các tỉnh lân cận: Vĩnh Long, Trà Vinh... để thu gom rơm. Bên cạnh đó, người dân tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL cũng đến Cần Thơ thu mua rơm để phục vụ nhu cầu thị trường. Đây là những tín hiệu tích cực cần được ngành chức năng quan tâm khuyến khích, hỗ trợ và khuyến cáo đến bà con đừng bỏ phí nguồn phụ phẩm có giá trị này.

Nguồn phát hành: Báo Cần Thơ